Khủng hoảng tuổi 20 - Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Khủng hoảng tuổi 20 là tình trạng đáng lo ngại mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 và làm sao để thoát ra? Hãy cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

3 tâm thư gửi tới khóa 2004 - 12 năm đèn sách đã qua, tuổi 18 thay đổi như thế nào?

Bài viết này dựa trên những kinh nghiệm có thật dành cho các bạn đọc tuổi 18, những người bạn người em sắp sửa bước vào chặng đường mới của cuộc đời. 3 tâm thư gửi tới khóa 2004- 12 năm đèn sách đã qua, tuổi 18 sẽ thay đổi như thế nào tiếp đây?

Lời đầu tiên là lời chúc mừng đến tất cả khóa 2004 đã vượt vũ môn thành công, các em đã rất cố gắng. Kỳ thi THPTQG đã kết thúc, điểm thi cũng đã có sẵn trên bàn, mọi cảm xúc buồn vui ngỡ ngàng xúc động… các em đã trải qua hết rồi chứ. Ước mơ của em vẫn còn đó, dù kế hoạch ban đầu của em có không may đi chệch hướng, hãy cứ bình tĩnh và bước tiếp nhé. Không có con đường có sẵn cả, chúng ta dám đi, con đường sẽ lại xuất hiện. Bước sang đầu 2 với không nhiều trải nghiệm nhưng cũng không ít kinh nghiệm, dưới đây sẽ là một chút tâm thư gửi gắm các em để hành trình tuổi 18 sẽ không còn bỡ ngỡ:

1. Kỳ thi vào Đại học không đáng sợ bằng kỳ thi hết môn tại Đại học

Sau này, sẽ còn rất nhiều bài thi Triết, Xác suất thống kê, Kinh tế lượng, Tiếng anh chuyên ngành… chờ em ở phía trước. Và một điều chắc chắn là nó sẽ khó hơn rất nhiều so với kỳ thi vừa rồi của các em. Kỳ thi áp lực nhất vừa qua chỉ là một trong rất nhiều kỳ thi mà chúng ta đã, đang và sẽ trải qua trong những giai đoạn cuộc đời. Dù là học tập hay trải nghiệm cuộc sống, em cũng sẽ còn rất nhiều “bài thi” khó nhằn khác để đánh giá, chứng minh năng lực của mình. Còn muốn học hỏi, còn muốn khẳng định, là còn những bài kiểm tra khắc nghiệt hơn nữa, các em sẽ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Nhưng hãy cố lên, khi em vượt qua các “bài thi” ấy, em sẽ lại tìm ra phiên bản tốt hơn của chính mình.

2. Định nghĩa của thành công là do chính bản thân ta viết nên 

Chắc chắn rằng, câu chuyện tiếp tục đi học Đại học hay bắt đầu đi làm luôn đấu tranh gay gắt trong suy nghĩ của em phải không? Liệu rằng 4 năm học đại học xong có thể kiếm việc, kiếm tiền, có thể thành công không? Hay cứ bỏ đấy, đi làm luôn cho rồi! Đây cũng là băn khoăn muôn thuở của tất cả mọi người ở giai đoạn tuổi 18, kể cả người lớn. Nhưng em à, không ai có thể thành công ngay từ những quyết định ở tuổi 18, định nghĩa của thành công là do bản thân viết ra sau khi thực sự đủ trải nghiệm.

Việc mình vấp ngã, việc mình đi sai đường vốn dĩ là một bài học để giúp ta thêm trưởng thành. Đó không phải lỗi sai của chúng ta. Đó là điều kiện cần để các em thực sự biết mình muốn và phải làm gì. Mình còn trẻ, mình còn cơ hội để trải nghiệm, em hãy cứ học tập, làm việc, thực hiện kế hoạch riêng của em. Còn trẻ, còn nhiệt huyết, còn sai, còn tiếp tục nỗ lực thì dù có sai bao nhiêu, vấp ngã bao nhiêu, đó cũng đã là thành tựu. Nếu may mắn, em có thể thành công ngay lập tức. Nếu không may, em hãy cứ bắt đầu lại, tiếp tục đi tìm thành công của chính mình. 

Tại đây, bây giờ, chính người viết những lời khuyên này cũng chưa thành công, chưa có thành tựu gì để lên mặt với mọi người. Những tâm thư, chia sẻ tâm tình này đều xuất phát từ trải nghiệm thực tế. Nếu em không trải nghiệm, em sẽ lấy gì để tự rút kinh nghiệm, phải không? Tất cả những điều chúng ta trải qua sẽ là keywords để sau này bản thân chúng ta sẽ sắp xếp từng câu chữ lại để viết nên định nghĩa “thành công”.

3. Điểm số, kỳ thi hay danh tiếng trường Đại học không thể đánh giá chúng ta nếu ta không có năng lực

Khi đi học, em đừng quá áp lực điểm số hay áp lực đồng trang lứa làm gì cho mệt người. Xử lý bài tập, deadline đã đủ mệt rồi phải không? Dù em có chưa hoàn thiện nhưng em vẫn là một phiên bản giới hạn. Dù không thể hoàn thành tốt tất cả mọi việc nhưng chắc chắn em sẽ có ưu điểm, sở trường nổi bật của riêng em. Do đó, đừng tự gây áp lực khi so sánh bản thân với sự hoàn hảo của người khác. Em hãy cố gắng thành thạo, chuyên nghiệp ở ít nhất một sở trường, một khả năng, một đam mê của em. Chắc chắn điều đó sẽ khiến em khác biệt. Đó cũng chính là năng lực và giá trị riêng của mỗi chúng ta.

Thiên tài cũng chỉ có 1% bẩm sinh còn 99% là nỗ lực. Năng lực em có được đừng để nó hao mòn lãng phí. Em cần luyện tập, cần trau chuốt thật nhiều để năng lực ấy khai thác được giới hạn của em, tạo nên giá trị của em giữa hàng vạn bạn sinh viên khác. Thành công không phụ người có cố gắng, thành quả sẽ không phụ người có năng lực và biết kiên trì. 

Đến khi đi làm, em sẽ nhận ra không phải điểm số kỳ thi, hay danh tiếng của ngôi trường em theo học sẽ quyết định cơ hội mình có, sự nghiệp mình theo đuổi. Có rất nhiều câu chuyện sinh viên FTU được trả lương nghìn đô ngay khi ra trường, nhưng nếu họ không có năng lực làm việc, không tạo ra giá trị công việc thì liệu công ty sẽ trả lương nghìn đô chỉ vì họ là sinh viên trường danh tiếng? Trình độ là điều kiện cần, thái độ và kỹ năng sẽ cùng trình độ tạo nên điều kiện đủ để chúng ta có thêm nhiều cơ hội hơn, thành công hơn.  

Ở lứa tuổi 18, 20 mà Gen Z chúng mình đang trải qua, sẽ có những lúc ẩm ương thất thường, có những lúc vui vẻ đột xuất, có những lúc lại chập điện, tắt nguồn cả ngày. Không sao đâu, vì đây là đặc điểm đáng yêu của thế hệ chúng ta mà. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi trẻ hừng hực, chúng ta hãy cứ vô tư, hãy cứ trải nghiệm, hãy cứ học hỏi thật nhiều. Để đến ngày chúng ta hiểu mình cần gì, biết mình phải làm gì, chúng ta sẽ thực sự viết nên thành tựu của chính mình nhé.

Tác giả: Phương Thanh


Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy bình luận ở dưới bài viết để Youth Confessions phản hồi sớm nhất nhé!

Nhận xét