Khủng hoảng tuổi 20 - Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Khủng hoảng tuổi 20 là tình trạng đáng lo ngại mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 và làm sao để thoát ra? Hãy cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

Sinh viên năm nhất - nên đi làm hay tham gia câu lạc bộ?

Sinh viên năm nhất - nên đi làm hay tham gia câu lạc bộ? Đây hẳn là nỗi băn khoăn của hầu hết các tân sinh viên trong năm đầu đại học. Dù là công việc làm thêm hay tham gia các câu lạc bộ của trường đều mang đến những giá trị nhất định. Cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Lựa chọn câu lạc bộ ngoại khóa hay đi làm là câu chuyện muôn thuở mà sinh viên nào cũng thắc mắc. Có lẽ bất kỳ gen Z nào cũng thấy áp lực khi phải đưa ra lựa chọn này, với những đứa “ẩm ương” không biết bản thân muốn gì thì càng lắc đầu ngao ngán. Luôn có những suy nghĩ quẩn quanh: câu lạc bộ thì nhiều mà mình chẳng thật sự thích cái nào; công việc cũng thế mình lại không có chuyên môn, mà nếu làm thì nên làm gì… Đời còn dài, mình còn trẻ, cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên, phải không nào? Vậy cùng tham khảo xem đâu là điều bạn cần ưu tiên nhé!

Tại bất kỳ trường đại học nào cũng có vô số các câu lạc bộ, các tổ chức tình nguyện với vô vàn hình thức mới lạ, lôi cuốn. Đa số các trường sẽ chia thành hai mảng chính, đó là khối câu lạc bộ chuyên môn theo chuyên ngành và câu lạc bộ nghệ thuật với vai trò tổ chức các chương trình nghệ thuật với quy mô Đoàn, trường, thành phố. Đây như một xã hội thu nhỏ để chúng ta giao lưu, gặp gỡ bạn bè và tạo mối quan hệ với các tiền bối, hậu bối để học tập lẫn nhau. 

Những mối quan hệ này vô cùng quý giá vì bạn sẽ chẳng phải mất đồng nào mà vẫn có thể tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ những người cùng chuyên môn, sở thích. Môi trường ở đây thì dễ chịu hơn cuộc sống thực tế rất nhiều, chúng ta sẽ trưởng thành, bạo dạn hơn qua mỗi sai sót, vấp ngã. Các kỹ năng mềm như tin học văn phòng, thuyết trình, phản biện, đàm phán, sắp xếp và giải quyết vấn đề từ đó mà phát triển. Bên cạnh đó, kĩ năng sống và kiến thức chuyên môn của chúng ta cũng sẽ cải thiện rất nhiều dưới sự chỉ dẫn của các cố vấn, anh chị thành viên trong câu lạc bộ. Những tình bạn đẹp, những chuyện tình “kết trái ngọt” chúng ta hay thấy trên mạng cũng “đơm hoa” từ những cộng đồng nhỏ này đó. Thời sinh viên chắc chắn sẽ mất “chất” nếu thiếu đi những tiếng cười, những buổi bonding, những buổi gặp mặt nói đủ chuyện trên trời dưới biển đó!!!

Tuy nhiên, bất kỳ câu lạc bộ nào cũng có nguyên tắc, tác phong và mục tiêu công việc rõ ràng nên chúng ta không được thiếu trách nhiệm khi đã có ý định tham gia cộng đồng chung. Dù không có năng lực nhưng chắc chắn bạn không thể không có thái độ cầu tiến và sự nghiêm túc trong mỗi nhiệm vụ được đâu nhé. 

Câu lạc bộ “CHO” chúng ta nhiều thế, vậy sẽ “LẤY” đi những gì? Đầu tiên chính là thời gian và tâm ý. Chúng mình sẽ phải dành thời gian tương tác cực kỳ nhiều (nếu không muốn các anh chị không nhớ mặt cũng chẳng nhớ tên) để có sự tương tác và gắn kết giữa các thành viên. Ngoài ra, sẽ có deadline, đương nhiên. Có khi chúng ta phải chạy deadline “tụt quần” nữa, bệnh đau “cột sống” thường từ đây mà ra. Đôi khi, chúng ta sẽ áp lực bởi những bạn sao cùng tuổi mà giỏi quá. Đôi khi, là cảm thấy lạc lõng vì không khéo léo trong các mối quan hệ“. Hi hữu nhất là chọn sai nơi gắn bó, chúng ta sẽ thấy tốn thời gian, không ý nghĩa khi gặp phải môi trường khó hòa nhập. 

Chọn câu lạc bộ cũng khó như đi xin việc đấy nhé, khó từ từng vỏng phỏng vấn, training đến khó khăn trong việc giữ mood, giữ lại đam mê khi ta đối mặt với các vấn đề trong quá trình làm việc. Vậy nên hãy cân nhắc về mục tiêu và phân bố thời gian hợp lý trước khi đến với một câu lạc bộ nào đó, bạn nhé!

Vậy, liệu CÓ NÊN đi làm thêm, dù đó là công việc phục vụ part-time, chẳng liên quan gì đến ngành học sắp tới? Hay chỉ nên tập trung học hành rồi kiếm nơi thực tập đúng chuyên ngành?

Câu trả lời là CÓ. Kể cả trong trường hợp gia đình bạn khá giả, các bạn vẫn nên có một công việc nhỏ bên ngoài, không chỉ để kiếm thêm thu nhập, tự túc chi tiêu mà còn để học kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế và thiết lập cuộc sống của bản thân khi sống một mình. Dù đó là công việc gì, làm ra đồng tiền chân chính từ công sức của mình thì đều là hợp pháp.

Thời gian đầu, chúng ta đều sẽ có cảm giác vừa học, vừa chịu áp lực về tiền bạc chẳng dễ chịu chút nào. Khi đó, chẳng có bất cứ kỹ năng cũng như chút kiến thức nào, chưa từng va vấp, chưa có bất cứ trải nghiệm nào ngoài môi trường học. Thì công việc phục vụ tại quán ăn cũng đáng nên thử một lần ở thời sinh viên. Khi có trải nghiệm thực tế, chúng ta sẽ hiểu được “việc kiếm tiền thực sự rất khó” mà bố mẹ thường nói. Để làm ra đồng tiền, tất cả mọi người đều đã vất vả như nào. Có lẽ đây là bài học đầu tiên và quan trọng nhất mà bất kỳ tân sinh viên nào cũng phải học. Để kiếm được “mấy đồng” mà ta đã phải đánh đổi rất nhiều thứ: thời gian, sức khỏe, việc học... Qua đó, chúng ta biết trân quý đồng tiền và biết chi tiêu hợp lý.

Ngoài tiền ra, các công việc bạn chọn sẽ dạy cho bạn nhiều thứ còn đáng giá hơn. Cũng giống như câu lạc bộ, nơi làm việc sẽ cho bạn những mối quan hệ, kiến thức thực tế hơn, chất lượng hơn và cũng “đời” hơn. Tại câu lạc bộ, dù bạn sai sót thì cũng chỉ là những lời góp ý, trách móc nhất thời; nhưng tại môi trường chuyên nghiệp, mọi sai sót sẽ đều sẽ nói lên con người, trách nhiệm, thái độ khả năng làm việc mà bạn thể hiện. Nghe hơi sợ phải không? Đôi khi chúng ta thấy sốc vì chẳng có tí kiến thức gì, thấy sợ vì bị sếp la, thấy áp lực vì đồng nghiệp quá giỏi, thấy lạc lõng vì không biết phải làm gì…

NHƯNG, sau tất cả, chúng ta có gì? Chúng ta học được cách vượt qua nỗi sợ khi tự làm những công việc mới, có được rất nhiều bài học thực tế mà ở trường không dạy, kiếm được tiền và biết nỗ lực hơn để kiếm tiền, kiếm cơ hội để thể hiện bản thân. Đây chính là “khối tài sản” vô giá mà các sinh viên năm nhất luôn muốn có. Khi có được rồi, đây sẽ là “tấm khiên” để các bạn vượt qua các khó khăn, thử thách trong việc học, việc làm sau này. 

Thật sự, để so sánh thì bản thân mình đang trải qua giai đoạn đó cũng không trả lời được. Cái nào cũng tốt, cũng có một số hạn chế nhất định, cả hai đều là xã hội thu nhỏ để bạn tự nuôi dưỡng chính mình. Nhưng với quan điểm cá nhân, câu lạc bộ cho bạn nơi thực hành để rút kinh nghiệm và kinh nghiệm đó sẽ được bạn mang đi áp dụng tại nơi làm việc cho công việc sau này. Năm nhất để bạn thử nghiệm khả năng của chính mình tại các câu lạc bộ và năm hai, ba, tư để tìm kiếm công việc mình yêu thích, đam mê. 

Mọi việc đều “sương sương” thôi, không thể dành toàn bộ thời gian đại học cho câu lạc bộ và cũng không nên để thanh xuân đại học phai mờ dần do quá xô bồ bơi việc kiếm tiền nhé!

Tác giả: Phương Thanh


Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy bình luận ở dưới bài viết để Youth Confessions phản hồi sớm nhất nhé!

Nhận xét