Khủng hoảng tuổi 20 - Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Khủng hoảng tuổi 20 là tình trạng đáng lo ngại mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 và làm sao để thoát ra? Hãy cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

I. Khủng hoảng tuổi 20 là gì? Liệu có đáng lo?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng tuổi trẻ, không biết đi đâu về đâu, không biết nên lựa chọn ngã rẽ nào cho cuộc đời của mình. Đây chính là khoảng thời gian khủng hoảng tuổi 20 - cái tuổi đôi mươi chập chững vào đời còn nhiều lầm lỡ và đắn đo về tương lai, sự nghiệp.

Tuổi 20 là lúc bạn nhận ra mình đã bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, đồng nghĩa với việc bạn phải tự chịu trách nhiệm cho những định hướng và lối đi trong chặng đường đời sắp tới. Đối mặt với khủng hoảng tuổi 20 khá đáng lo với nhiều người, bởi vì những quyết định đúng đắn hay lựa chọn lạc lối tuổi 20 sẽ đóng vai trò quan trọng trong thành công hay thất bại sau này. 

II. Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Đi cùng với khủng hoảng tuổi 20 là những nỗi lo và sự bất an. Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ liên tục hoài nghi về chính bản thân mình với vô vàn những câu hỏi như: Tôi là ai? Tôi cần gì? Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời này? Cơ hội hay cạm bẫy đang ở phía trước? Đâu là con đường đúng đắn mà tôi nên lựa chọn?...

Dường như nó trở thành một áp lực vô hình khiến cho bạn phải suy nghĩ, lo lắng, thậm chí vật lộn ngày đêm để tìm ra câu trả lời. Bạn rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng, không định hình được bản thân thực sự cần gì và muốn đạt được điều gì ở hiện tại và tương lai.

III. Nguyên nhân khủng hoảng tuổi 20 đến từ đâu?

1. Peer pressure (Áp lực đồng trang lứa)

Một trong những nguyên nhân đi đầu dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 đó chính là “Peer pressure”. Áp lực đồng trang lứa xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở độ tuổi các bạn trẻ Gen Z hiện nay đi kèm với hội chứng “Overthinking” khiến cho vấn đề càng trở nên đáng lo ngại.

Bạn bị sức ép tâm lý khi đặt lên bàn cân so sánh giữa bản thân mình với những người đồng trang lứa. Nhìn thấy bạn bè xung quanh cùng độ tuổi đã đạt được nhiều thành tựu lớn, mua nhà mua xe, có danh tiếng, trở thành “ông này bà nọ”… Bạn tự ti khi không giỏi giang và đạt được những điều giống với họ. Từ đó, bạn rơi vào trạng thái khủng hoảng tuổi 20 lo âu về chính mình, cảm thấy bản thân kém cỏi chưa có gì trong tay, chưa thực hiện được thành quả to lớn và tụt hậu xa so với thế hệ.

2. Chạy theo xu hướng một cách xô bồ 

Chạy theo xu hướng một cách xô bồ cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn mất phương hướng dẫn đến khủng hoảng tuổi 20. Dám đương đầu thử sức là điều tốt nhưng cần phải cân nhắc mọi vấn đề thật cẩn thận sao cho phù hợp thì mới thực hiện. 

Nhìn thấy người A kinh doanh mỹ phẩm kiếm được nhiều tiền, người B làm tiktoker nổi tiếng nhanh, người C làm reviewer vừa nhiều người theo dõi vừa giàu có… rất nhiều bạn trẻ hùa theo xu hướng, không nghĩ ngợi gì nhiều mà nhanh chóng bắt chước làm theo. Trong khi đó, mỗi ngành nghề đều cần phải đáp ứng được những điều kiện cần và đủ mà không phải ai cũng phù hợp để đi theo. 

Sự vồ vập vội vã mong muốn được thành công nhưng lại thiếu chín chắn, không nghiên cứu cân nhắc kỹ càng. Cái gì cũng làm nhưng lại làm không tới, hoang mang và thiếu hiểu biết dẫn đến vừa mất thời gian vừa không hiệu quả, thậm chí là thua lỗ thất bại, khiến cho bạn càng thêm khủng hoảng tuổi 20.

IV. Làm thế nào để thoát khỏi khủng hoảng tuổi 20?

Vậy làm thế nào để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và hoang mang lạc lối trong khủng hoảng tuổi 20? Hãy tham khảo các bước sau đây của Youth Confessions nhé:

1. Khám phá nhu cầu để tìm ra mục tiêu cho bản thân

Đứng trước vô vàn những ngã rẽ tuổi 20, để có thể đưa ra lựa chọn và quyết định đúng đắn cho con đường phía trước, điều đầu tiên bạn cần làm đó chính là xác định được nhu cầu thực sự để tìm ra mục tiêu bản thân.

Bạn hãy trả lời được 3 câu hỏi: 

1. Tôi mong muốn đạt được điều gì? (Tìm hiểu nhu cầu)

2. Vì sao tôi lại mong muốn điều đó? (Đào sâu xem nhu cầu đó có thực sự cần thiết hay không?)

3. Làm thế nào để đạt được điều mong muốn? (Xem xét mức độ khả thi, liệu có phù hợp để thực hiện được hay không?)

Ví dụ:

1. Tôi mong muốn đi du học.

2. Vì tôi muốn trau dồi kiến thức và mở mang hiểu biết ở nước ngoài.

3. Tôi cần phải nghiên cứu và lập kế hoạch chi tiết trong việc chinh phục ước mơ du học, bao gồm: đảm bảo đủ điều kiện kinh tế (xem xét kinh tế gia đình có phù hợp hay không), điều kiện học vấn (GPA, bằng ngoại ngữ, hoạt động ngoại khóa…), điều kiện sức khỏe...

Hãy đảm bảo rằng bạn xác định được đúng nhu cầu để làm mục tiêu phấn đấu. Trong đó, phải đảm bảo 2 yếu tố đó là: đam mê và sự phù hợp. Bạn cần có đủ đam mê, niềm yêu thích thì mới có động lực cố gắng biến mơ ước thành sự thật, đồng thời phải phù hợp (cả về khả năng và hoàn cảnh) để thực hiện được tới cùng. 

Khi đã khám phá và hiểu được chính bản thân mình cần gì muốn gì, bạn sẽ không còn hoang mang vô định và có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn cho con đường tuổi 20 đi đến thành công.

2. Lên kế hoạch cụ thể cho mục tiêu

Sau khi đã có được hướng đi cho cuộc đời của mình, bạn cần phải lên kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu. Không được qua loa nghĩ ra xong để đấy mà hãy tiến hành làm timeline chi tiết để thực hiện theo từng ngày từng tháng.

Bạn có thể thực hành với khung phân tích mục tiêu SMART như sau:

1. S (Specific - Tính cụ thể): Cụ thể hóa mục tiêu của bạn.

Ví dụ: Tôi muốn đi du học thạc sĩ ngành truyền thông tại Hàn Quốc vào tháng 8/2024.

2. M (Measurable - Tính đo lường): Đo lường và đưa ra những con số cụ thể cần đạt được.

Ví dụ: Để du học thạc sĩ tại Hàn quốc: Về học vấn, tôi cần đạt chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 4, tiếng Anh IELTS 6.5, GPA > 3.5/4. Về kinh tế, tôi cần chuẩn bị ít nhất 800 triệu đồng cho 2 năm du học thạc sĩ tại Hàn Quốc.

3. A (Attainable - Tính khả thi): Xem xét mức độ khả thi liệu có thể đạt được hay không.

4. R (Relevant - Tính thực tế): Xem xét các yếu tố để để tăng tính thực tế cho mục tiêu như kinh phí, nhân lực, nguồn vốn, thời gian...

Ví dụ: Về học vấn, hiện tại trình độ ngoại ngữ và GPA của tôi đã gần đạt được trong ngưỡng cần thiết nên trong một năm tới tôi có ôn luyện để đáp ứng đủ điều kiện học vấn. Về kinh tế, gia đình tôi đã tích lũy được 650 triệu đồng, trong một năm tới bố mẹ tôi có thể tích lũy được thêm để đủ số tiền cho tôi đi du học.

5. T (Time bound - Tính ràng buộc về thời gian): Gia hạn các mốc thời gian rõ ràng cần thực hiện được (deadline) để thúc đẩy sự nỗ lực của bạn.

Ví dụ: Để kịp thời tháng 8/2024 (1 năm sau) đi du học thạc sĩ thì tôi phải chia nhỏ các mốc thời gian chinh phục mục tiêu như sau:

- 3 tháng đầu: Ôn tập và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5

- 5 tháng sau: Ôn tập và thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 4 

- 4 tháng cuối: Viết bài luận và chuẩn bị hồ sơ đi du học.

Trong đó, bạn còn cần phải chia nhỏ thêm mục tiêu theo từng ngày, từng tuần để thực hiện triệt để và hiệu quả nhất có thể nhé!

3. Nuôi dưỡng và duy trì lý tưởng

Trong quá trình thực hiện mục tiêu, bạn hãy cố gắng nuôi dưỡng và duy trì lý tưởng mình đã chọn sao cho thật vững chắc. Bạn có thể tìm những người đồng hành có chung chí hướng để cùng cố gắng mỗi ngày. Đồng thời, thi thoảng hãy tự tạo cho mình phần thưởng khi đã đạt được những dấu mốc nhỏ trong quá trình trưởng thành như cho phép bản thân nghỉ ngơi 1 - 2 ngày để thư giãn thoải mái, giúp cho việc duy trì lý tưởng và tinh thần phấn đấu lâu dài hiệu quả.

Vậy là bạn đã khám phá được “Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời” rồi đúng không nào! Nhờ đó, bạn sẽ không bao giờ bị lạc lối hay mất phương hướng của khủng hoảng tuổi đôi mươi nữa. Đừng đưa bản thân lên bàn cân so sánh quá nhiều mà hãy tin tưởng vào khả năng, cũng như lắng nghe chính mình thực sự muốn đến ngã rẽ nào để chinh phục con đường đó thành công nhé!

Tác giả: Giang Thảo

Đọc thêm bài viết:


Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy bình luận ở dưới bài viết để Youth Confessions phản hồi sớm nhất nhé!

Nhận xét