Khủng hoảng tuổi 20 - Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Khủng hoảng tuổi 20 là tình trạng đáng lo ngại mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 và làm sao để thoát ra? Hãy cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

KHỦNG HOẢNG TUỔI 18- NHỮNG ĐIỀU ÍT AI KỂ

Người ta hay nói đến khủng hoảng tuổi 22 khi ra trường vất vưởng tìm việc, khủng hoảng tuổi 30 khi phải ổn định cuộc sống của bản thân. Vậy, tuổi 18, liệu bạn đã từng trải qua khủng hoảng nào chưa? 


Theo mình, ai cũng trải qua giai đoạn ấy, giai đoạn rời xa vòng tay gia đình để tập làm “người nhớn” . Nhưng chúng ta không coi đó là khủng hoảng, nói giảm xuống thì mọi người gọi nó là cảm giác mủi lòng…


Nhưng sao mình gọi đó là khủng hoảng? 


Vì chính mình đã và đang trải qua khoảng thời gian ấy.

Mấy nay, lứa 2003 hào hứng ngóng đợi điểm chuẩn từ các trường đại học. Nhưng rồi hôm qua, hôm kia thôi, chúng khóc, chúng cười, chúng lại hoang mang về chính tương lai sắp tới. Mình nhìn thấy bản thân của một năm về trước. Ngày đó, cảm giác khi nhận email trúng tuyển của nguyện vọng 1 thì là cảm giác tuyệt vời, hãnh diện nhất trong 18 năm qua của mình. Không chỉ một đống hành lý được sắp xếp từ trước ngày nhập học cả tuần, mình mang theo những giấc mộng lớn đến thủ đô hoa lệ kia, coi nó là động lực, là hành trang cho quá trình tập lớn. 

Hà Nội đối với mình đẹp lắm, đẹp ở những bức ảnh được update hàng ngày trên Facebook, đẹp trong những cái nắm tay thật chặt buổi xế chiều nơi Hồ Tây; đẹp từ những gánh hoa rong mang Thu về đến những hàng ngô, khoai nướng nghi ngút khói tối muộn ngày đông...Nhưng tuổi 18 của mình, cô đơn trong vẻ đẹp đó. Nói đúng hơn, mình lạc lõng trong cái tương lai sắp tới mình phải đi. 

Một năm đầu tại nơi đất khách của mình ngập trong nước mắt, nước mắt từ những cảm xúc không thể gọi tên luôn hiện hữu suốt tháng ngày. Đó là những lần ngồi khóc một mình trong căn phòng xa lạ, gục khóc trên chiếc laptop còn đang nóng vì làm bài tập cả chiều hay những tối muộn đi học về, nằm co quắp lại trên giường rồi khóc. Mình có tài khóc rất hay, không ai biết vì mình khóc không thành tiếng. Không còn cố gào to lên để mọi người tới dỗ dành, bây giờ, mình cố ngăn những giọt nước mắt đang rưng rưng nơi khóe mắt, bặm chặt môi rồi tự nức nở nấc trong lòng. Nhưng chả hiểu sao, những nức nở giam chặt kia lại cứ tuôn ra, làm ướt đẫm chăn, gối, đôi bàn tay ôm mặt của mình. Không biết mọi người trải qua tâm trạng đó chưa nhỉ? Mình chẳng thể đặt tên.


Có những lần tan học, đi trên con đường đông nghịt người đang cố nhích từng tí về nhà, mình thấy sợ Hà Nội. Mọi người bảo “Hà Nội không vội được đâu” nhưng sao con người nơi đây vội vã thế. Mình sợ, mấy năm nữa, mình cũng bị hòa tan vào dòng hối hả nơi đây. Mình sợ cái tất bật nơi này, sợ những tòa nhà cao tầng lên đèn quá đỗi diễm lệ về đêm, những điều quá là xa hoa mà người ta cứ liều mạng để có được. Hà Nội hoa lệ, hoa thì ít, lệ thì nhiều…. 

Khi sợ, mình lại đi tìm những điều bình dị có thể làm tĩnh đi đợt sóng đang dồn dập trong suy nghĩ. Mình nhớ NHÀ, ngôi nhà 18 năm ra ra vào vào, chứng kiến những lúc giận dỗi của mình ngày bé; tưởng như mình đã chán ghét, sẵn sàng rời đi để chứng tỏ bản thân, lại là NƠI luôn sáng đèn đợi mình trở về dù ngày nắng hay đêm mưa, luôn lưu luyến tiễn mình đi sau hai ngày nghỉ ít ỏi. 18 tuổi, mình đi xa trở về, mình lại là công chúa của cả nhà, chả việc gì đến tay mà lại được chăm chút như ngày mới 8 tuổi. Ngày về, mẹ dậy từ sớm mua thức ăn sáng mà đêm qua mình bảo lâu lắm rồi con không ăn, mẹ mua đầy một làn thức ăn để nấu hai buổi cơm toàn những món mình thích. Ngày đi, mẹ lại cứ tíu tít sắp 5, 7 hộp đồ nào rau, nào thịt. Lên xe rồi, hàng loạt cảnh sắc vụt qua khung cửa sổ, mình lại khóc, chắc cũng tầm hai tiếng, tận đến khi xe dừng bánh. Lúc đó, mình mới thấm được câu nói “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không, không quan trọng”. Thì ra, mình vẫn là cô gái nhỏ mà cả nhà luôn mong ngóng trở về…

Hết cảm xúc nhất thời rồi, vậy đến áp lực lớn nhé. Dạo gần đây, mọi người chắc hẳn cũng biết đến cụm từ “Peer pressure”- “Áp lực đồng trang lứa” rồi nhỉ? Để mình giải thích, hiện tượng này xảy ra khi chúng ta chịu ảnh hưởng bởi nhóm bạn cùng tuổi, các bạn cùng lớp hay đồng nghiệp. Nó hiện diện từ sâu trong tiềm thức, khiến cho chúng mình tự đặt ra những phép so sánh giữa bản thân và những người đồng lứa tuổi. Từ đó làm nảy sinh những áp lực và cảm xúc buồn bã không đáng có.


Có thể, những sợ sệt, buồn bã, nhớ mong đến bật khóc là bởi sự đa sầu đa cảm của tuổi mới lớn, nhưng mình chắc chắn rằng, áp lực đồng trang lứa là cảm giác chúng ta đều phải trải qua, có khi còn kéo dài rất lâu sau nữa. Môi trường đại học hoàn toàn khác so với những lớp, cấp dưới bởi sự hoạt náo, sôi nổi từ bản sắc các vùng miền mà các sinh viên mang tới, đôi khi khiến chúng ta ngộp thở vì chưa thể thích ứng được nhịp sống của nó. Những nguồn năng lượng, tài năng, cá tính của các bạn cùng lớp, cùng trường, cùng câu lạc bộ có thể sẽ khiến bạn có chút tự ti, e ngại vì họ quá xuất sắc, quá nổi bật mà dần quên đi bản thân cũng có những ưu điểm chưa được bộc lộ. 

Mình đã có 3 tháng trầm cảm từ khi nhập học vì những suy nghĩ tiêu cực cứ quẩn quanh trong đầu, những lo lắng về bản thân sẽ thua kém, những sợ hãi về cách người khác đánh giá mình. Nhưng mình may mắn, đã tự thoát ra cái vòng ám ảnh đó bằng sự tự nhận thức về bản thân, mình duy trì những suy nghĩ tích cực thường xuyên hơn và cố gắng trau dồi để chính mình được hoàn thiện. Đó hoàn toàn là những cảm giác tự mình đem lại, không hề có sự tác động của bạn bè hay vấn nạn gì xung quanh vì mình có những người bạn chất lượng, mình yêu ngôi trường mình đang học, mình tự hào về nguyện vọng mình miệt mài theo đuổi để có được. Cũng vì thế, mình thấy rằng, ngôi trường này quá đỗi xuất sắc, chính mình cũng phải là nhân tố xuất sắc trong môi trường ấy, dù ở lĩnh vực gì. 

Những tâm sự trên chính là câu chuyện tuổi 18 của mình, có thể nó không vui tươi như mọi người thường thấy, hoặc có thể mình thuộc % đặc biệt hay kể lể tỉ tê, nhưng đó là một hành trình cảm xúc mình rất biết ơn khi trải qua nó trong bước đầu tập lớn. Mình không muốn mang cảm xúc tiêu cực đến các bạn tân sinh viên nhưng mình mong, nếu các bạn đồng cảm với mình, hãy trân trọng hơn khoảng thời gian bên gia đình và có những chuẩn bị cho “hành trình cảm xúc” sắp tới nhé. Hoặc, hãy đọc, để sau 1 năm nhớ lại, bạn có cùng suy nghĩ như mình bây giờ không nhé!


Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy cứ comment ở phía dưới bài viết để Youth Confessions giải đáp nhé!

                                                                                     Phương Thanh

Nhận xét