Khủng hoảng tuổi 20 - Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Khủng hoảng tuổi 20 là tình trạng đáng lo ngại mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 và làm sao để thoát ra? Hãy cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

Áp lực có đáng sợ không?

Áp lực là thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, nhưng nó đắng, cay, mặn, ngọt ra sao là do cách mỗi người cảm nhận. Hãy cùng đi tìm lời tìm giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!

Nếu ai đó hỏi tôi áp lực có đáng sợ không, câu trả lời của tôi chắc chắn là có. Đối với tôi, những tháng ngày đi học thật sự là ám ảnh vì những ganh đua từ điểm số của bạn bè, áp đặt của thầy cô, khiến tôi lúc nào cũng mong ngóng lớn thêm chút nữa để thoát khỏi vòng vây mệt mỏi này. Để rồi lại thất vọng hơn khi phát hiện những áp lực ấy ngày càng lớn dần, nặng nề hơn.

Với anh họ tôi thì lại khác. Câu trả lời cũng là có nhưng không phải đáng sợ mà là đáng trân trọng. Nhìn nụ cười nhạt của anh làm khi trả lời câu hỏi ấy làm tôi nhớ đến câu chuyện anh đã từng kể…

Hồi anh học cấp 3, bằng một thứ quyền lực nào đó, cô chủ nhiệm anh đã huy động được cả lớp đi thi học sinh giỏi, dù muốn hay không, ai cũng phải tham gia vào vòng xoáy của cuộc tuyển chọn. Và, chỉ vô tình thôi khi cô hỏi: “Cả lớp có bạn nào không muốn tham gia thi không?” thì anh lại giơ tay lên bảo "Có".


Cô giáo hẳn rất ngỡ ngàng bởi câu trả lời không ngờ đến, nhưng cũng không vui với điều này. Vì rõ ràng anh đang làm trái với những gì cô muốn, duy chỉ có các bạn nhìn anh với ánh mắt ngưỡng mộ vì chỉ có anh dũng cảm dám nói ra điều ai cũng muốn.


Nhiều người nghĩ anh chỉ đang cố chống đối cô, hay cố tỏ ra khác biệt mà thôi, bởi trong lớp anh vốn là người hoạt ngôn, hiếu động và hay nghịch ngợm. Dù có tố chất học tập, nhưng hơn ai hết, là một học sinh giỏi tham gia các cuộc thi từ cấp 2 đến bây giờ, anh rất hiểu thực chất trong những cuộc thi đó ba phần giúp anh thể hiện năng lực, bảy phần thể hiện thành tích của các thầy cô và nhà trường. Vì thế anh quyết định không tham gia.

Kết quả không nằm ngoài dự tính, cô chủ nhiệm liên tục tạo áp lực cho anh, điểm số anh đạt được không còn cao như trước, anh bắt đầu phải đối mặt với cách hành xử đầy khó khăn của cô. Thành tích đi xuống một cách nhanh chóng, bạn bè bắt đầu hoài nghi về năng lực thực sự của anh. Và chính anh cũng vậy. Lúc này - theo như lời anh nói là thời điểm anh nhìn lại bản thân để xem mình thật sự cần gì, thiếu gì và không muốn gì.


Anh đã nhận ra cái đích cuối cùng anh hướng đến không phải làm hài lòng bất kì một ai, điểm số nhất thời hay những thứ thành tích chỉ dùng để trang trí. Cái anh cần nhất vẫn là những năm tháng thanh xuân cấp 3 được sống trọn vẹn và ý nghĩa với những kỉ niệm đẹp bên bạn bè, và sự nỗ lực để vào được trường đại học mình mong muốn. 

Ngày anh biết mình được 9 điểm văn thi đại học có lẽ là ngày anh hạnh phúc nhất. Vì đã từ rất lâu rồi, anh đã không còn biết đến niềm vui sướng khi cầm trên tay bài kiểm tra văn - bộ môn cô giáo chủ nhiệm anh đảm nhiệm. Lúc này anh mới hiểu, áp lực hóa ra không đáng sợ như mình nghĩ, cái quan trọng là do cách cảm nhận của mỗi người, biết biến nó thành động lực để hiểu mình hơn, là đòn bẩy để bước đến vạch đích cuối cùng.


Nhiều lúc anh vẫn đùa rằng nếu không có sự kiện ấy xảy ra, nếu không có đè nén thúc ép của cô thì có lẽ chả bao giờ anh sẽ đạt được số điểm cao nhất khối thi năm ấy. Dù nói là như vậy, nhưng những mảnh ký ức về ánh mắt đầy dè dặt cảm thông của bạn cùng lớp khi nhìn anh mỗi lúc cô gọi lên kiểm tra bài cũ, hay những chiều anh thơ thẩn đi dạo quanh bờ hồ Thiền Quang lo lắng vì điểm kém, có lẽ sẽ vẫn là vết cắt không bao giờ xóa nhòa được trong tâm hồn chàng thiếu niên tuổi 18.

Xót xa biết nhường nào khi gợi nhắc về câu chuyện ấy, tôi cũng giật mình tự hỏi liệu mình đã thật sự vững vàng để chấp nhận áp lực giống như anh chưa?

Tác giả: Sophia


Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy cứ comment ở phía dưới bài viết để Youth Confessions giải đáp nhé!

Nhận xét