- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Lười là một đặc tính của con người. Bạn có thể lười từ hành động đến suy nghĩ, nhưng nay đã có cả lười yêu, và nó phát triển thành một “căn bệnh”. Bạn có mắc “căn bệnh lười yêu” này không?
Tên căn bệnh này hơi lạ, chắc hẳn bạn chưa từng nghe qua, nhưng nó đã ngấm ngầm phát triển trong cuộc sống của rất nhiều người trẻ hiện nay rồi đấy. Tên gọi cũng đã nói là một vài đặc trưng của bệnh, chúng ta đang ngại mở lòng, ngại tiếp xúc, ngại làm quen và rồi trở thành lười bắt đầu một mối quan hệ tình cảm.
Bắt bệnh "bệnh lười yêu"
Có lúc nào đó bạn có cảm giác muốn có người yêu “part time” chưa? Nghe hơi kỳ cục nhỉ nhưng nhiều người thường có suy nghĩ ấy lắm. Chẳng hạn như xem xong một tập phim, nghe xong một bài hát quá ư hạnh phúc rồi bạn cũng mong bản thân có một ai đó bên cạnh, để cũng giống với tâm trạng bộ phim, để cũng ngọt ngào như giai điệu bài hát. Nhưng chẳng bao lâu sau, mong muốn “hồng phấn” ấy bị quấy nhiễu bởi một loạt lý do: phải làm gì khi có người yêu? cần làm gì để yêu không nhàm chán? một buổi hẹn hò có tốn thời gian không nhỉ? Và rồi quyết định “một mình vẫn vui” lại quay về vị trí độc tôn trong tâm trí bạn.
Nếu bạn nhìn thấy bản thân trong ví dụ trên, thì chính xác bạn đang có bệnh lười yêu rồi đấy.
Bệnh lười yêu không có triệu chứng cụ thể, nó chỉ là những cảm xúc chóng vánh trong một khoảng thời gian ngẩn ngơ, nó cũng chỉ tồn tại trong khoảng không gian quá đỗi độc lập của chính mỗi chúng ta. Lười không tự nhiên sinh ra và mất đi, “lười yêu” cũng vậy, nó tồn tại ở triệu chứng này rồi có khi chuyển sang triệu chứng khác. Vậy triệu chứng của “căn bệnh lười yêu” là gì?
Triệu chứng "căn bệnh lười yêu"
Chúng ta đang ngại mở lòng, có khi là lười chủ động tìm kiếm một nửa còn lại. Nhiều khi chúng ta đã hài lòng với các mối quan hệ hiện có, không nhất thiết phải có các mối khác phái. Người ngại mở lòng thường rất vui vẻ với trạng thái độc thân, tự do và thấy không thoải mái nếu bắt buộc phải tìm kiếm tình yêu.
Chúng ta cũng có xu hướng ngại bắt đầu một mối quan hệ mới. Một mối quan hệ mới tức là khi mối quan hệ vừa qua đã chấm dứt, cũng là mối quan hệ sắp tới phải làm quen, tìm hiểu lại từ đầu. Điều này khiến nhiều GenZ sẽ cảm thấy mất thời gian. Một nguyên nhân khác đến từ việc đổ vỡ trong tình cảm, những "ký ức không vui" liên tục tác động. Đôi lúc chúng ta chưa vượt qua được các cảm xúc của đoạn tình cảm cũ và không muốn áp đặt lên một mối quan hệ mới những điều chưa trọn vẹn.
Bạn thử nghĩ nhé, sẽ thật tổn thương cho một người đến sau nếu người yêu của họ chưa hoàn toàn thoát ra khỏi các xúc cảm của mối quan hệ cũ, phải không nào? Và họ cũng lo ngại rằng mình sẽ làm dang dở xúc cảm của người khác. Điều này thật sự sẽ là rào cản khi bắt đầu một mối quan hệ mới, lâu dần tạo nên cảm giác "lười yêu".
Thiếu tự tin vào bản thân cũng là một biểu hiện với cùng tiêu cực của "bệnh lười yêu". Nhiều cô gái, chàng trai tự ti về ngoại hình, ngại ngùng về trình độ học vấn, lo lắng về vấn đề xứng đôi vừa lứa nên không dám bày tỏ, không dám tiến tới. Họ cứ tậc lưỡi với ý nghĩ an phận "đến đâu thì đến" hoặc băn khoăn với suy nghĩ "liệu rằng mình như thế thì anh ấy/ cô ấy có để ý mình không?". Tất cả mọi người đều có thế mạnh riêng, vẻ đẹp riêng nên đừng chỉ lo ngại về khuyết điểm nhỏ xíu của bản thân nhé. Chúng ta đều được yêu thương và có quyền nhận được sự yêu thương. Đừng để sự ngại ngùng, tư ti của mình làm mầm nuôi dưỡng cho căn bệnh lười yêu, các bạn trẻ nhé!
"Căn bệnh lười yêu" ảnh hưởng đến chúng ta ra sao?
Một cô gái luôn dành hầu hết thời gian cho học tập, công việc; dành cả thời gian cuối tuần chỉ để “ngủ nướng” cho thỏa cơn mệt mỏi của cả tuần vừa qua nhưng bảo dành thời gian cho một mối quan hệ yêu đương lại từ chối ngay tức khắc. Một chàng trai luôn phấn đấu hết mình cho thành tích, cho ước mơ hoài bão nhưng khi bảo cố gắng tìm kiếm một nửa còn lại thì lại ngập ngừng, bâng quơ. Mỗi khi xuất hiện một lời tỏ tình, một ý định tán tỉnh là họ nhất định sẽ “bỏ của chạy lấy người”. Bạn có phải “cô gái”, “chàng trai” ấy không? Hay các cô gái, chàng trai xung quanh bạn có từng là trường hợp trên không?
Điểm chung của họ là yêu khoảng thời gian độc lập - tự do - hạnh phúc của bản thân hơn là ở trong một mối quan hệ. Cũng có khi họ chọn độc thân để chữa lành những vết sẹo tình cảm từ trước đó. Lâu dần sẽ xuất hiện một lớp tường thành do họ tự tạo nên để bảo vệ trái tim, cảm xúc của mình, để họ luôn mạnh mẽ.
Độc lập là tốt, và độc thân cũng là xu hướng hiện nay. Nhiều người chọn độc thân hơn là bước vào một mối tình chẳng đi được bao xa, theo họ nghĩ là vậy. Nhưng lâu dần, bạn sẽ không nhận ra mình đang bị chai lì cảm xúc và dần cảm thấy mình có thể làm mọi việc một mình, không cần thêm một ai. Đây là suy nghĩ rất có hại đó nha. Ai cũng có lúc yếu đuối, cũng có lúc cần che chở, cũng có lúc cần dựa vào một bờ vai vững chắc hơn để không phải cố gồng mình trước khó khăn của cuộc sống, phải không nào!
Thuốc đặc trị cho "bệnh lười yêu"
Một đơn thuốc, một lời khuyên duy nhất Youth Confessions muốn gửi tới bạn là hãy mở lòng và “tập yêu” đi nhé. Như một người bệnh vừa khỏi ốm sẽ phải tập lại các thói quen sinh hoạt trong cuộc sống, các bệnh nhân có “căn bệnh lười yêu” cũng vậy. Yêu và trao đi tình yêu của mình là bản năng của mỗi người, bản năng ấy chỉ bị giam cầm bởi suy nghĩ của bạn trong lúc “lười yêu” thôi. Hãy “tập” để những xúc cảm trong trẻo nhất quay trở lại và sẵn sàng đón nhận tình cảm nhé.
Tình yêu sẽ mang lại rất nhiều dư vị cho cuộc sống. Một mối tình dù ngắn hay dài cũng sẽ mang lại những cảm xúc mới, những niềm vui nho nhỏ mới xuất hiện giữa bộn bề thường ngày. Nói lời yêu và nhận lấy những yêu thương nửa kia dành cho bạn, chắc chắn sẽ chấm dứt được "căn bệnh lười yêu" này. Bạn cứ thử xem Youth Confessions nói đúng không nhé!
Tác giả: Phương Thanh
Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy bình luận ở dưới bài viết để Youth Confessions phản hồi sớm nhất nhé!
Nhận xét
Đăng nhận xét
Nếu bạn muốn đóng góp cho blog hay đang gặp phải khúc mắc nào cần giải đáp thì hãy bình luận ở đây để Youth Confessions thực hiện nhé! 💗