Khủng hoảng tuổi 20 - Tôi ở đâu trong ngã rẽ cuộc đời?

Khủng hoảng tuổi 20 là tình trạng đáng lo ngại mà nhiều bạn trẻ hiện nay đang gặp phải. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tuổi 20 và làm sao để thoát ra? Hãy cùng Youth Confessions tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!

Những đứa trẻ, đều sẽ phải đi xa nhà

Tuần làm việc, đi học sau Tết của các bạn như thế nào? Đã ăn hết bánh chưng mẹ gói cho chưa? Thế là lại phải quay lại guồng công việc hối hả rồi, thế là mẹ lại nói mấy đứa trẻ lại phải đi xa nhà rồi…

Bánh chưng chưa ăn hết, gói hạt bí còn đang cắn dở mà thông điệp từ vũ trụ gửi tới các GenZ lại phải lên đồ đi học đi làm. Nghĩ cũng nhanh, qua ba mùng là lại hết Tết. Thành phố xô bồ cách xa hàng chục cây số kia, mới hôm nào còn thấy mấy thanh niên nhanh nhanh chóng chóng, khệ nệ va li để về quê ăn Tết mà giờ chúng ta đã lại gặp nhau. Sáng đầu tuần, mở Facebook hóng hớt, lớ ngớ thế nào list nhạc quen lại mở đúng bài hit của chú Đen, lại thấy tâm trạng hơi chùng xuống…

Tết năm nay nhạt hơn phải không, hay chúng ta đã lớn hết rồi, nếu không có mấy shop quần áo mở nhạc xuân, chắc mình cũng nghĩ hai mấy tháng chạp kia là ngày thường mất. Tết chả vui, tết chả thương mình khi cứ 7 giờ sáng mấy ngày cuối năm, mẹ lại gọi giật dậy “Đi mua cho mẹ cái này”, “Rửa cho mẹ mấy cái kia”... Nghe quen lắm đúng không, mình tin nhà các cậu cũng thế. Nhà mình tất bật sắm sửa, có khi phải đến tối 30 mới thực sự ngơi tay. Qua giao thừa, cả nhà ngồi trò chuyện, list nhạc Tết trên Youtube chạy sẵn đấy cũng cả tiếng rồi phát đến bài “Mang tiền về cho mẹ”. Mấy ngày này mình cũng hay mở nhạc, cũng nhiều lần mẹ nghe thấy nhưng cũng chả nói gì, mẹ còn bảo “có mỗi bài suốt ngày bật”. Nhưng nay mẹ nghe hết, mẹ chăm chú nghe hơn bình thường rồi mẹ bảo “Chả biết còn mấy năm cả nhà đông đủ như này?”

Sống mũi mình chợt cay khi mẹ nói vậy. Đầu tiên mình nghĩ, ý mẹ là bố mẹ đã lớn tuổi, thời gian gia đình đông đủ còn bấy lâu. Nhưng rồi nhìn quanh, nhà có hai chị em gái, rồi lại nhớ mấy câu chuyện trên facebook gần đây, mấy nhà có con gái đi làm xa, đi lấy chồng, Tết chẳng còn trọn vẹn. 20 tuổi, đâu thể lúc nào cũng chạy về nhà khi ấm ức, đâu thể tùy tiện bắt xe về lúc mới có hăm hai tháng chạp chỉ để kịp giúp mẹ bày biện cúng ông Công? Những đứa trẻ lớn rồi, đều sẽ phải đi xa nhà

Hồi bé, mình rất thích ăn kẹo, nhưng mẹ chỉ cho ăn một cây kẹo mỗi ngày. Mình hậm hực tự hứa lớn lên sẽ mua cả hộp kẹo lớn để ăn mỗi ngày. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, mình không còn thích ăn kẹo nữa. Hồi bé, chỉ thích lén lút đọc mấy cuốn truyện tranh “xàm xí” với cốt truyện bị nhuộm hồng đến không tưởng, nhưng tâm hồn non nớt vẫn tấm tắc khen hay. Rồi lại từ bao giờ chẳng động đến chúng nữa, nếu có vô tình cầm lên cũng đọc được 2 trang rồi ngao ngán gấp lại. Cũng tự cho rằng mình chẳng bao giờ đọc mấy thứ triết lý giáo điều. Dòng đời đưa đẩy, chính mình lại lạch cạch ngồi viết những dòng “đạo lý”, những thứ “khó hiểu”, “khó ngấm”. Ngày xưa mẹ đi chợ, chả dám ở nhà một mình rồi lại thấp thỏm ngóng mẹ về, khung cảnh rời xa gia đình có khi còn chẳng nghĩ đến. Đi đâu cũng chỉ muốn chạy ngay về nhà với mẹ. Vậy mà lớn dần, bắt đầu bằng cuộc sống đại học tự lập hay đến những công việc lớn, những chuyến đi xa một mình, những người trẻ chẳng còn nhớ ngày bé hay sợ sệt như nào! Thay vì “về nhà”, chúng ta lại để thành câu bỏ ngỏ “về thăm nhà”.

Chúng ta đã trưởng thành như vậy đó. Chúng ta lớn lên, thế giới quan cũng thay đổi, rồi khi nhìn lại, lại bật cười vì sự ngây ngô của chính mình. Lớn vậy rồi, là phải đi xa nhà, điều này như một quy luật không thể từ chối. Mẹ không muốn những đứa con bé bỏng khệ nệ hành lý ở thành phố đất khách, nhưng nếu không để con đi, mẹ cũng không thể là mái nhà che cho chúng cả đời. “Rời xa mái nhà chẳng còn ai nuông chiều” sẽ là đòn bẩy cho sự tự giác và tự lập của những đứa trẻ trên hành trình chúng trưởng thành.

Ta yêu cả những điều không hoàn hảo, vì đó là bản chất của tình thân.

Tác giả: Phương Thanh


Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy bình luận ở dưới bài viết để Youth Confessions phản hồi sớm nhất nhé!

Nhận xét