- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Mạng xã hội phát triển dẫn đến việc đăng tải các thông tin không chính thống ngày càng nhiều. Thậm chí có những bài đăng mang tính dắt mũi dư luận và gây bạo lực không gian mạng nghiêm trọng. Khi ấy những người là nạn nhân bị công kích trên không gian mạng sẽ thế nào? Lỗi ở mạng xã hội hay ở người đọc mạng?
Nguồn ảnh: Internet |
Mạng xã hội và những câu chuyện "một mặt"
Vì sao lại nói là câu chuyện "một mặt"? Vì ngay từ nguồn tin đăng tải cho tới các tranh luận công kích trong những câu chuyện dưới đây đều bắt nguồn từ "một mặt" vấn đề, "một mặt" cái nhìn chủ quan của người chia sẻ.
Câu chuyện 1:
Tầm này tháng trước, khi Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tâm dịch Covid-19 của cả nước, rất nhiều các nhà hảo tâm đã mang đến món quà thiện nguyện chia cho người dân nghèo nơi đây. Có ít cho ít, có nhiều cho nhiều, đặc biệt là những xuất cơm 0 đồng giản dị mà xúc động, sưởi ấm lòng người trong hoàn cảnh gian khó.
Nguồn ảnh: Internet |
Thế rồi, một sự việc xôn xao cộng đồng mạng được réo tên: "Của cho không bằng cách cho". Bắt nguồn những clip được đăng lên mạng xã hội, tranh luận bắt đầu nổ ra với vô vàn ý kiến trái chiều hướng đến một số trường hợp làm từ thiện như: bắt người dân xếp hàng để nhận xuất cơm; ai sơn móng chân móng tay sẽ không được nhận; hỏi dò kĩ càng người dân đã từng nhận cơm chưa, nếu rồi thì bắt ra khỏi hàng không cho nhận nữa;...
Nguồn ảnh: Internet |
Tuy nhiên, trước khi "cào phím" chỉ trích, bạn đã đặt mình vào hoàn cảnh của những nhà hảo tâm ấy chưa? Nếu mình biết người lấy đồ từ thiện của mình mang đi bán lại chuộc lợi thì mọi người nghĩ sao? Vì vậy mà người làm từ thiện đôi khi có lớn tiếng một chút nhưng bản chất trong họ mong muốn một nghĩa cử đẹp. Xin mọi người đừng chỉ trích, hãy mở lòng ra, họ cũng chỉ muốn mọi thứ tốt hơn thôi.
Câu chuyện 2:
Gần đây, sự việc về một giảng viên đại học bị chỉ trích nặng nề khi một clip tố cáo người này đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online vì tiếng mưa không nghe rõ. Nếu chỉ xem clip ngắn ấy thôi thì bản thân tôi đã định đánh giá tệ về người thầy này. Nhưng tôi đã quyết định chờ đợi một thông tin chính xác.
Nguồn ảnh: Internet |
Sau khi vào việc điều tra, đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội đã được xác nhận là cắt ghép có chủ đích, không đầy đủ và không phản ánh đúng sự việc. Trước đó sinh viên này đã có những thái độ học tập và lời lẽ thiếu tôn trọng với thầy giáo, điều đó khiến sự việc sau này trở nên nặng nề hơn.
Tất nhiên rằng giảng viên này cũng không được nói những câu như vậy với sinh viên, nhưng nếu nhìn nhận sự việc khách quan thì không đến mức phải chì chiết, buông lời cay đắng tới vậy đối với người thầy trong câu chuyện. Nỗi lòng và bức xúc của một nhà giáo không được sinh viên tôn trọng khi đứng lớp, mấy ai thấu hiểu? Người ta nói: "Tôn sư trọng đạo"!
Lỗi ở mạng xã hội hay ở người đọc mạng?
Vậy, lỗi ở mạng xã hội hay ở người đọc mạng?
Mạng xã hội sinh ra vốn không hề có mục đích xấu, nó ra đời để mọi người dễ dàng kết nối và chia sẻ với nhau. Vì thế nếu như có hệ lụy xảy ra thì đó là lỗi của chính chúng ta - những người đọc mạng.
Đứng trước những câu chuyện mang hướng dẫn dắt dư luận và một chiều, nếu người đọc không bình tâm thấu đáo, hùa theo ý kiến đám đông và chỉ trích, thì cũng vô tình đang tham gia vào một tệ nạn bạo lực không gian mạng gây hậu quả cực kì nguy hiểm.
Nguồn ảnh: Internet |
Bạo lực không gian mạng bằng việc công kích cá nhân, dùng từ ngữ thù ghét dán nhãn cho đối tượng sẽ gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng bất an và có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.
Thực tế, trong câu chuyện đầu tiên tôi vừa kể về việc thiện nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể những nhà hảo tâm mà bị mang ra bàn tán chì chiết cũng không tới mức trầm cảm, tự tử. Nhưng việc này chắc chắn sẽ khiến họ cảm thấy tiêu cực về cuộc sống và sự bao dung. Khi họ cảm thấy lòng tốt của mình cũng bị mang ra khiển trách gay gắt, vậy thì còn cơ hội nào cho lòng tốt ấy được mở ra lần thứ hai?
Xã hội sẽ thế nào khi chúng ta - những người đọc mạng cứ dễ dàng bị "dắt mũi" trước các thông tin, hình ảnh, clip đăng tải không khách quan, để rồi hăng hái "tấn công" họ qua bàn phím một cách vô tình và tàn nhẫn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu câu chuyện ấy chỉ phản ánh một mặt hay thậm chí là không đúng sự thật? Không ai cả! Chỉ có nạn nhân - những đối tượng bị công kích trên mạng xã hội, sẽ phải hứng chịu tất cả cho dù oan trái.
Nguồn ảnh: Internet |
Bắt nguồn từ lối suy nghĩ theo số đông mà hệ lụy này ngày càng nhức nhối. Cứ động một chút không vừa ý nhau là lôi lên mạng xã hội để nói, để nhờ đám đông ra vào một hai câu công kích. Hàng loạt các kiện cáo "vớ vẩn" nhằm mục đích gây áp lực và bôi xấu danh dự người khác trên mạng xã hội như "Phụ huynh kiện giáo viên vì thấy con học mãi không giỏi".
Hãy là một người đọc sáng suốt! Đó là lời khuyên trân thành mà tôi dành cho các bạn! Sống giữa thế kỉ 21, trước vô vàn những phương tiện truyền thông đăng tải, bạn hãy là một người đọc sáng suốt!
Hãy là một người sử dụng mạng xã hội văn minh! Hãy biết mở lòng và bao dung! Chúng ta cần bình tĩnh xem xét sự việc cẩn thận và tổng quát trước khi tranh luận điều gì. Bởi vì mỗi một bình luận của các bạn sẽ là một đóng góp có ích cho xã hội tốt đẹp, hoặc cũng có thể vô tình là một nhát dao giết chết một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần.
Tác giả: Giang Thảo
Nếu bạn đang gặp phải khúc mắc nào hoặc muốn chúng mình chia sẻ về điều gì thì hãy cứ comment ở phía dưới bài viết để Youth Confessions giải đáp nhé!
Nhận xét
Bài viết có góc nhìn khá hay nha!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã đọc và ủng hộ cho Youth Confessions! 🥰 Blog sẽ thường xuyên cho ra nhiều bài viết chất lượng nữa ạ! ❤️
Xóa